Trẻ em, đặc biệt trẻ em ở các thành phố bị cận thị ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, các nhà sản xuất đã gắn thêm chức năng chống cận thị cho loại đèn bàn. Thế nhưng thực chất, các loại đèn này có chống được cận thị như quảng cáo hay không?
Ảnh minh họa |
Tại các cửa hàng bán thiết bị điện, đồ dùng học tập trên các phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) Hà Nội, đa số các loại đèn bàn đều được gắn nhãn “Đèn bảo vệ mắt”, “Đèn chống cận thị”... với giá cả dao động từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/chiếc. Đáng nói, một số loại đèn bàn bảo vệ mắt giá rẻ còn mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Đèn gắn nhãn Made in Viet Nam nhưng khi khách hàng hỏi do công ty nào sản xuất thì người bán không biết, chỉ khẳng định là hàng Việt. Còn các sản phẩm có thương hiệu như Lioa, Rạng Đông, Kangaroo... giá lại khá cao.
Khi giới thiệu với khách hàng về chức năng đèn bảo vệ thị lực, người bán cũng không hiểu tính năng của đèn chống cận. Trả lời câu hỏi về sự khác biệt cơ bản giữa đèn chống cận với đèn thông thường là gì, chị Lê Cẩm Nhung - Chủ một cửa hàng thiết bị điện trên phố Ngọc Lâm trả lời một cách tỉnh queo, đèn chống cận thị là đèn sử dụng bóng đèn led! Đèn càng đắt, khả năng chống cận càng tốt (!?)...
Giữa một “rừng” các loại đèn bàn chống cận thị đa dạng về chủng loại và giá cả, hầu hết khách hàng đều mua theo tâm lý “ăn may”. Vừa mua chiếc đèn bàn chống cận của Việt Nam với giá gần 700.000 đồng, chị Nguyễn Thị Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, hiện nay tỉ lệ học sinh bị cận thị quá nhiều, không mua cho con thì không yên tâm. Nhưng đi mấy cửa hàng, thấy đèn học nào cũng có nhãn bảo vệ thị lực, nên chẳng biết chọn loại nào. “Thôi thì đầu tư cái đắt, mong là “tiền nào của nấy” - chị Thúy chia sẻ.
Không có đèn chống cận thị
Theo các chuyên gia, không có loại đèn nào có thể chống được cận thị, mà chỉ có loại đèn cho ánh sáng tốt, phù hợp với mắt. Đèn phải đảm bảo màu sắc ánh sáng, độ chiếu sáng, nhiệt độ và khoảng cách đèn với mặt bàn...
Bác sĩ Vũ Thị Thanh - Giám đốc Bệnh viện mắt Hà Nội cho biết, cận thị là do rất nhiều nguyên nhân như: Ánh sáng, khoảng cách từ mắt đến bàn học, chế độ dinh dưỡng, xem tivi, chơi điện tử quá nhiều, yếu tố di truyền… Chiếu sáng tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc đề phòng cận thị chứ không thể chống được cận thị và trên thực tế cũng không có loại đèn nào có thể chống được cận thị.
“Một đèn bàn tốt là đèn không nháy, không lóa, tạo được ánh sáng để mắt đọc được sách một cách thoải mái nhất, không phải điều tiết quá nhiều, qua đó bảo vệ thị lực cho người sử dụng…”, bác sĩ Thanh cho hay.
Một vài thông số chọn đèn bàn bảo vệ mắt:
- Đèn có độ cao trung bình từ 40 cm - 50 cm.
- Cường độ sáng lớn hơn 500 lux.
- Ánh sáng phải ổn định: Không nháy, không lóa khiến mắt phải điều tiết quá nhiều.
- Có thể điều chỉnh độ sáng.
- Nhiệt độ bóng không quá cao.
- Trong quang phổ không được có tia tử ngoại và hồng ngoại.
- Tuổi thọ cao: Không suy giảm chất lượng ánh sáng theo thời gian.
- Nên chọn những bóng đèn từ những nhà sản xuất uy tín và có thông số kỹ thuật cụ thể được lưu trên vỏ hộp.
|